Báo Pháp Luật Plus – 26/02/2016 bởi Loan Bảo
Đó là mô hình giáo dục thay đổi 7 thói quen của tuổi trẻ thành đạt mà cô Thanh Hà (ở Kontum) – một giáo viên đã về hưu luôn “đau đáu” đi tìm hướng mở cho nền giáo dục hiện nay, mà theo cô đã quá ư là lạc hậu.
Trước nhu cầu lớn về đổi mới căn bản và toàn diện giáo dục theo Nghị quyết 29 của Thủ tướng Chính Phủ, Phapluatplus đã có dịp được nghe lại câu chuyện của cô Lê Thị Thanh Hà – Nguyên giáo viên môn Vật Lý, trường THPT KonTum (đây là ngôi trường chất lượng cao của tỉnh Kontum), về lý do đi tìm hướng thay đổi nền giáo dục.
Thực trạng là nền giáo dục quá tụt hậu
Cô Hà cho rằng, giáo dục nước ta quá lạc hậu so với các nước trên thế giới. Sự tụt hậu này dẫn đến việc nhiều thế hệ không tìm được công việc do kỹ năng sống, không đủ phẩm chất,…
Nước ta đang ở giai đoạn đầu của sự phát triển công nghệ thông tin và lao động bằng trí tuệ. Tuy nhiên, sự quản lý vẫn chỉ dừng lại ở mức độ giống như thời đại công cụ. Mô hình công nghiệp không giống với thời đại khiến cho năng lực con người không thể phát triển.
Cô Thanh Hà cùng thầy Phan Đức tại trường THPT Trần Quốc Tuấn (Kon Tum). |
Đó là lý do chính khiến cô Hà luôn “đau đáu”, khao khát đi tìm sự đổi thay. Cô muốn góp chút “sức mọn” cho sự đổi mới toàn diện giáo dục theo chủ chương của Chính Phủ.
Cô Hà bộc bạch: “Tôi là giáo viên dạy môn Vật lý đã về hưu. Đúng ra, tôi sẽ nghỉ ngơi và hưởng thụ sau 33 năm công tác, nhưng nỗi đau đáu với chất lượng giáo dục nước nhà khiến tôi không thể ngơi nghỉ”.
Thời đại phát triển nhanh độ vũ bão khiến chính thầy cũng… “choáng”!
Theo cô Hà, chủ trương của Nghị quyết 29 là dạy người, dạy chữ, dạy nghề. Trước kia là dạy người, nhưng bây giờ bản thân mỗi con người lại thay đổi theo thế hệ, suy nghĩ cũng bị ảnh hưởng, bị chi phối theo công nghệ thông tin,…
Vì thời đại phát triển quá nhanh, nhanh đến mức độ vũ bão nên chính bản thân người thầy cũng “choáng”, cả học sinh và giáo viên đều khó có thể xác định được những hướng đi đúng đắn cho bản thân.
Cô Hà chia sẻ: “Tôi thường nói với học sinh, sự đói nghèo của dân tộc là lỗi của mỗi công dân. Bản thân mỗi em, mỗi cá nhân đều phải tự chịu trách nhiệm về sự đói nghèo của dân tộc chứ không thể đổ lỗi hoàn toàn cho các cấp lãnh đạo”.
Cô Lê Thị Thanh Hà trải nghiệm 2 tiết trên lớp tại trường THPT Trần Quốc Tuấn (Kon Tum). |
Đi tìm sự thay đổi từ 7 thói quen của tuổi trẻ thành đạt
Mô hình giáo dục “Chuyên trị học sinh cá biệt” của trường THPT Dân lập Đinh Tiên Hoàng (Hà Nội) đã khiến cô vượt hàng ngàn cây số từ Kontum ra Hà Nội để “theo học”.
Với cô, đó là mô hình tích hợp đủ 7 thói quen của tuổi trẻ thành đạt, là mô hình giáo dục không đem đến sự tụt hậu, khiến… “cả nước phải học”.
Bởi bản thân Mô hình chuyên trị học sinh cá biệt đã định hướng giáo viên cách giải quyết từng vấn đề cho học sinh, hướng tới phát triển năng lực, phẩm chất của từng cá nhân.
Cô Hà làm việc với các giáo viên về mô hình giáo dục mở. |
Cô Hà đã đến xin đứng lớp 2 tiết để trải nghiệm mô hình giáo dục mới tại trường THPT Đinh Tiên Hoàng.
Cô bày tỏ: “Tôi muốn học hỏi những giáo viên trực tiếp đứng lớp, làm thế nào để thay đổi được các học sinh chưa ngoan trong khi nhiều thầy cô dạy cả năm trời mà học sinh không thay đổi được bao nhiêu. Vậy nguyên nhân do đâu?
Giáo viên ai cũng thế, phải tự thay đổi mình, bất kỳ ở tuổi nào, môn học nào. Khi giáo viên đã thay đổi thì học sinh cũng sẽ thay đổi theo. Chính tôi đã trải nghiệm và gần 1.400 học sinh đã được nghe tôi nói chuyện cũng đã thay đổi”.
Số trường áp dụng mô hình giáo dục mở đang nằm ở con số ít!
“Đúc kết” từ mô hình giáo dục trên, cô Thanh Hà cho rằng: “Môi trường giáo dục này khiến cả người dạy và người học đều hết lòng, say mê sáng tạo. Người thầy có thể đánh giá được kết quả giáo dục của học sinh. Và ngược lại, việc đánh giá giáo viên sẽ bắt đầu từ mỗi học sinh”.
Cô Hà cho rằng thầy Nguyễn Tùng Lâm (Hiệu trưởng trường THPT Dân lập Đinh Tiên Hoàng) đã xây dựng và áp dụng được 1 mô hình có chương trình giáo dục mở rất hiệu quả nhưng tiếc là số trường áp dụng mô hình này vẫn còn quá ít.
Nhiều người khuyên cô, việc to lớn vĩ mô hãy để cho người khác làm, nhưng cô Hà lại quan điểm rằng: “Nếu không bắt đầu từ những cá nhân nhỏ bé, từ người công dân làm thì ai làm?”.